Tổng tiền:
0đ
Tác giả CHU VINH DŨNG
Ngày đăng 23/ 03/ 2018
Bình luận 0 Bình luận
Nhật bản – đất nước của hoa
Đặt chân đến Nhật bản, bất cứ nơi đâu, cực Bắc hay cực Nam, thành phố lớn hay miền quê hẻo lánh đều tràn ngập hoa và hoa. Hoa trong vườn, trong công viên, hoa dọc phố, hoa ở ban công, hoa phủ cả sườn đồi. Người Nhật yêu hoa đến mức rất nhiều trang trại, trong những năm tháng chiến tranh, thời kỳ đói khổ nhất của nước Nhật vẫn nhất quyết trông hoa.
Hoa anh đào dệt màu dòng sông
Khắp thế giới biết đến Nhật bản như xứ sở hoa anh đào, nhưng không chỉ có thế, Nhật bản là đất nước của muôn hoa khoe sắc, có những loài hoa rất đặc trưng Nhật bản, có hoa tử đằng – biểu tượng tình yêu, hoa cúc – như mặt trời chiếu sáng trên hoàng gia huy, hoa cẩm tú cầu biến đổi sắc màu, những vườn hoa tulip đẹp chẳng khác gì ở Hà Lan, những nông trại mênh mông hoa oải hương lavender không kém nước Pháp, … Qua du lịch Nhật bản mới cảm nhận hết được sự trân trọng của người Nhật với hoa, mới thấy được sự tinh tế của người Nhật trong chăm sóc những vườn hoa. Bao nhiêu là vườn hoa đẹp trải dài từ Bắc xuống Nam: cánh đồng hướng dương như tranh vẽ Hokyryu, nông trại tím ngát oải hương Tomita, là “vườn thượng uyển” Hanamiyama, là thiên đường hoa tử đằng Ashikaga, là vườn hoa thủy vu (mizubasho) Ozegahara, là ngút ngàn hoa công viên Hitsujiyama, là hoa vàng cỏ xanh dọc đường ray Kominato, là thánh địa hoa đỗ quyên ở Nezu, là sắc màu cẩm tú cầu chùa Jojuin, cánh đồng mơ Mori, vườn đào khổng lồ Fuefuki-shi, miền đất của lan Nam phi Hachijo-jima, chùa hoa sen Hachijo-jima, chùa hoa mẫu đơn Hasadera, triệu bông diên vĩ ở Hanashoubu, mùa là đỏ Nikko, cỏ Kochia đặc thù công viên Hitachi, …
“Tri thức phương Tây, tinh thần Nhật bản”
Không những là đất nước của những cảnh đẹp, của hoa, của vườn, mà còn là của đất nước của một xã hội quy cũ, giữ nguyên vẹn nét truyền thống trong sự phát triển. “Tri thức phương Tây, tinh thần Nhật Bản” (Japanese Spirit Meets Western Knowledge) – đó chính là khẩu hiệu của cuộc cách mạng Duy Tân 1868 khởi xướng bởi vua Minh Trị, biến Nhật bản thành một đế quốc hùng cường. Ngày nay ở cổng vào công viên Yoyogi (Meiji Shrine Gyoen) nơi thờ Minh Trị Thiên Hoàng và hoàng hậu, du khách sẽ thấy thông điệp đó qua cách thể hiện một bên là những thùng rượu vang làm từ nho ở vùng Bourgogne của một chateau bên Pháp để cung cấp rượu cho Hoàng gia Nhật, và một bên là những giàn rượu sake Nhật bản.
Tri thức phương Tây và tinh thần Nhật bản
Đặt chân xuống Nhật bản ngay phút đầu tiên bạn đã có thể cảm nhận ngay, sự khác biệt gần như duy nhất ở Nhật bản, đó là những công cụ máy móc hiện đại, những tiện nghi, trong phục phương Tây; nhưng cái cúi chào, ánh mắt thân thiện, sự cuống quít xin lỗi dù chỉ là những lỗi nhỏ nhất, …của những con người nơi đây, của tinh thần Nhật. Thật có thể diễn tả hết bằng câu chữ và hình ảnh. Tinh thần Nhật, truyền thống Nhật, “hồn” Nhật hiện hữu ngay lúc này, tại đây, bất cứ chỗ nào trên nước Nhật, không lòe loẹt, không hình thức. Ở đâu đó họ có thể “khoe khoang” những giá trị tinh thần với văn hóa lâu đời, văn hóa phi vật thể, những bộ đồ truyền thống… nhưng rất mơ hồ, rất “bảo tàng”, không tồn tại giữa đời thường. Còn ở Nhật bản, chẳng có gì là lạ mắt, hay khác thường khi bạn gặp những bộ kimono xen kẽ giữ những bộ đồ vest trên đường làm việc; gặp cúi chào cám ơn, xin lỗi ở khắp mọi nơi. Đến Nhật bản, mới thấy ở thành phố nào cũng nhiều đền chùa, là chỗ tôn kính, là nơi linh thiêng, chốn ghé thăm tinh thần cho dân chúng, chứ ko phải chỉ là chỗ hoang vắng hay chỉ đầy nhang khói. Hãy thử tượng tượng bức tranh thành phố Nhật bản như sau. Bạn đang mua sắm giữa phố phường đủ mặt hàng hiện đại, đủ hình ảnh sắc màu, náo nhiệt; mấy bước chân tiếp bước vào nhà hàng Nhật bản chỗ ngồi bài trí, lời chào hỏi, món ăn – tất cả như trong một câu chuyện; rồi tiếp vài cây số thôi bước qua cổng thần đạo torii dẫn tới một ngôi chùa trong khuôn viên công viên rộng lớn, mọi người thành kính, không gian tĩnh lặng, linh thiêng.
Nhật bản – trật tự và an toàn
Bước chân sang du lịch Nhật bản, bạn có cảm giác như vào một thành phố trong tưởng tượng dành riêng cho chính mình vậy, mọi thứ cứ như sắp sẵn, trật tự lề lối. Nếu mà bóc tách ra từng thứ một thì Nhật bản cũng chẳng khác Việt Nam, cũng những căn nhà nho nhỏ, những cột điện chăng dây, những hàng quán vỉa hè, nhưng khác biệt nhất chính là TRẬT TỰ. Trật tự từ sự sắp xếp của những căn nhà, trật tự của trong những cửa hàng, rất gọn gàng và ngăn nắp. Trật tự trong giao thông không một tiếng còi, trật tự trong cả việc đứng hàng dài …đi vệ sinh.
Nhật bản luôn nằm trong danh sách những quốc gia an toàn nhất. Mà hình như, sự bất an thường đến từ chính nội tại, người Nhật rất trật tự, sống có kỷ luật, chắc vì vậy mà nước nhật rất an toàn. Chuyện không phải viết nhiều thì mọi người cũng biết là ở Nhật nếu lỡ quên mất đồ, thì 90% bạn sẽ tìm lại được.
Nhật bản – đại siêu thị của người Trung Quốc
Một trong những hiện tượng dễ thấy khi sang du lịch Nhật bản, đó là bạn đến siêu thị, khu mua sắm vào lúc nào cũng hàng dài những người Trung Quốc và châu Á khác sang mua sắm.
Hoa hậu Trung Quốc mua sắm ở Nhật bản
Đây một điều rất thú vị, nó vừa thể hiện rằng sản phẩm của Nhật bản luôn được ưa chuộng vì chất lượng và giá trị, vừa thề hiện sự “cao tay” của người Nhật trong chính sách du lịch & thương mại. Rất nhiều sản phẩm từ thực phẩm, áo quần cho đến đồ điện tử chỉ bán trong nội bộ Nhật bản, không xuất khẩu. Trong khi Trung quốc đưa mình lên vị trí là đại công xưởng của thế giới, thì Nhật bản với chính sách bảo hộ thương hiệu, không xuất khẩu để lẫn lộn thị trường; việc chỉ bán hàng nội địa đó tăng thêm “sự thèm muốn” của người tiêu dùng các nước tìm đến du lịch Nhật bản để mua sắm. Ngoài ra thì Nhật bản cũng đưa những chính sách về hoàn thuế, miễn thuế để kích cầu du lịch và thương mại. Không như các nước biến chuyến du lịch thành tour mua sắm bất đắc dĩ, Nhật bản thường là mua bán tự do, và giá cả không quá chênh lệch giữa các cửa hàng.
Nhật bản – chuẩn mực mọi nơi, chi tiết từng bộ phận
Nhiều người tự hỏi, cũng là miếng sashimi, sao ở Nhật bản ngon thế, cũng là trừng sống sao ở Nhật bản thơm, không tanh tẹo nào. Câu trả lời ở chỗ, quy trình và chuẩn mực quản lý thực phẩm của người Nhật, chẳng hạn tất cả các thực phẩm tươi sống phải chế biến trực tiếp và dùng ngay trong ngày, cuối ngày thì giảm giá, bán không hết thì sẽ đưa vào dây chuyền chế biến, hay như trứng gà ăn sống cũng chỉ dùng loại trứng gà vừa mời đẻ trong vòng 7 ngày.
Sushi- Món ăn truyền thống của người Nhật
Tương tự như vậy với bất cứ lĩnh vực nào, người Nhật cũng chuẩn mực và chi tiết từng bộ phận. Quay lại vẫn là câu chuyện ẩm thực, người Việt thường hiểu “khách hàng là thượng đế” theo cách của mình nên khi vào nhà hàng Nhật cũng muốn phải bày biện ngay hết các thức ăn ra bàn. Nhưng không, ẩm thực Nhật bản cực kỳ quy chuẩn, món nào lên trước, món nào lên sau, chuẩn bị trong bao lâu, bài trí như thế nào đều phải tuân thủ. Có chuyện kể rằng, có khách hàng Trung Quốc bị “đuổi” ra khỏi nhà hàng Sushi Nhật bản chỉ vì …ăn không đúng quy trình, ăn sushi mà bóc thịt riêng và cơm riêng ra ăn như sashimi.